Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2013

Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống


LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
CÁC MÔN ĐỆ ĐƯỢC BAN THÁNH THẦN ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ
“Như Chúa Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em. 

Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
(Ga 20,21b.22b)
Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống đánh dấu một bước ngoặt mới trong đời sống mỗi người Kitô hữu và Giáo Hội về phương diện đức tin cũng như thực hành. Các bài đọc hôm nay cho thấy chiều kích Ba Ngôi giữa Chúa Cha với Chúa Giêsu Phục Sinh và với Chúa Thánh Thần trong công cuộc cứu độ và trong việc sai các môn đệ đi loan báo Tin Mừng cứu độ đó cho người khác.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Cv 2,1-11)
Trong bối cảnh Lễ Ngũ Tuần, được cử hành 50 ngày sau Lễ Vượt Qua theo truyền thống của người Dothái, Đức Giêsu Phục Sinh đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ để các ông ra đi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nếu Lễ Ngũ Tuần được cử hành để tưởng nhớ biến cố trao ban Giao Ước Sinai, một biến cố hoàn tất cuộc Vượt Qua của Dân Israel và khai sinh Dân Thiên Chúa với những hệ luận thực hành trong đời sống của họ, thì biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống hoàn tất cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu và hình thành Giáo Hội là Dân Israel mới; đồng thời kéo theo hệ luận trong đời sống của Dân này, đó là loan báo Tin Mừng.
Thánh Thần đã đến với họ qua những dấu chỉ khả giác: “gió” ùa vào phòng và “hình lưỡi lửa” đậu trên đầu các môn đệ. Theo truyền thống Dothái, “gió” làm liên tưởng đến cuộc sáng tạo trong St 1 và 2,7; như thế, biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống khai sinh Giáo Hội và khởi đầu mọi hành động, nhất là việc loan báo Tin Mừng, của các môn đệ. “Lửa” là biểu lộ sự hiện diện đặc biệt của Thiên Chúa với Dân như đã xảy ra khi ban “Mười Lời”/Điều răn ở trên Núi Sinai (Xh 19,18). “Lưỡi” liên quan đến sứ vụ rao giảng và làm chứng bằng lời. Những “lưỡi lửa” là Thánh Thần đã xuống trên các môn đệ và biến họ thành những người thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4), tương tự như Thần Khí Chúa đến với những ai được trao cho nhiệm vụ ngôn sứ trong Cựu Ước (Mk 3,8; Is 61,1; Dcr 7,12; Nkm 9,30). Ngoài ra, Ngôn sứ Isaiah còn được Tổng Lãnh Thiên Thần Seraphim lấy “cục than đỏ lửa” thanh tẩy môi miệng để ông xứng đáng mà bắt đầu loan báo lời Chúa (Is 6,6-9tt).
   Như thế, Chúa Thánh Thần đã thanh tẩy tâm hồn, đổi mới con người và ban cho các môn đệ đặc sủng là ơn ngôn ngữ để có thể bắt đầu thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: làm chứng cho Đức Giêsu Kitô Phục Sinh và loan báo Tin Mừng cứu độ đến khắp mọi miền trái đất.
2. Bài đọc II (1Cr 12,3b-7.12-13)
Bài đọc II nói về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của mỗi tín hữu. Tự bản chất, yếu tính của Chúa Thánh Thần thì đơn thuần, còn quyền năng của Người thì đa dạng. Vì thế, dù chỉ có một Chúa Thánh Thần duy nhất, nhưng quyền năng đa dạng của Người làm cho đời sống của Giáo Hội được phong phú qua các đặc sủng Người ban cho từng người.
Các đặc sủng tuy khác nhau về mức độ và cách thể hiện nhưng đều có một gốc chung là Thần Khí và vì ích chung, nghĩa là để xây dựng Giáo Hội. Sự đa dạng của đặc sủng và sự khác biệt nơi mỗi người được ví như các chi thể trong một thân thể. Mọi chi thể đều có tầm quan trọng riêng của nó, nhưng các chi thể luôn hiệp thông, liên đới với nhau và bổ túc cho nhau.
Hình ảnh các chi thể liên kết với nhau trong một thân thể duy nhất cho thấy Đức Giêsu Phục Sinh đã nhờ Thánh Thần của Người để liên kết các Kitô hữu nên một trong một thân thể là Giáo Hội. Do đó, các Kitô hữucần tránh sự chia rẽ; ngược lại, cần liên đới và cộng tác với nhau theo khả năng riêng của mỗi người để cùng hợp lực xây dựng thân thể Giáo Hội.
3. Bài Tin Mừng (Ga 20,19-23)
Bài tin Mừng theo Thánh Gioan cho thấy Đức Giêsu Phục Sinh đã trao ban Thánh Thần của Người và sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các môn đệ lúc Người hiện ra với các ông vào chiều ngày Phục sinh. Tuy nhiên, theo Sách Tông Đồ Công Vụ, biến cố này lại xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần. Điều này cho thấy biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống bằng những dấu chỉ khả giác “gió” và “lưỡi lửa” trên các môn đệ là sự hoàn tất biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu và đánh dấu thời điểm các môn đệ bắt đầu thi hành sứ vụ  loan báo Tin Mừng đã được giao phó cho mình.
Trong khi các môn đệ đang sợ người Dothái sau cái chết của Thầy Giêsu, thì chính Đức Giêsu hiện đến và ban cho các ông “bình an’. Bình an mà Đấng Phục sinh trao ban là bình an đích thực của Thiên Chúa, sự bình an đặc trưng của thời Mêsia như đã được các ngôn sứ loan báo trong Cựu Ứớc: đó chính là ơn cứu độ.
Sự “bình an-ơn cứu độ” này được trao ban cho các môn đệ, nhưng không phải để thủ đắc một mình mà còn ra đi loan báo để cho người khác cũng được chung hưởng sự bình an cứu độ đó. Chính vì thế, Đức Giêsu Phục sinh đã sai các môn đệ ra đi để tiếp nối sứ vụ mà chính Đức Giêsu đã thi hành: “như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).
 Để các môn đệ biết can đảm, hăng say và có khả năng hầu có thể thi hành sứ vụ của mình, Đức Giêsu đã “thổi hơi” ban Thánh Thần cho các ông. Đây là hành động sáng tạo như khi Thiên Chúa thổi sinh khí để trao ban cho con người sự sống (St 2,7). Đức Giêsu thổi “Thần Khí” vào các môn đệ nhằm tái tạo họ thành những con nguời mới với tinh thần mới, để xây dựng Israel mới là Giáo Hội. Cũng chính Thánh Thần đã được ban sẽ làĐấng hướng dẫn, an ủi và phù trợ các môn đệ chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng của mình. Như thế, Chúa Thánh Thần là nguồn của cuộc sống và hoạt động của các môn đệ, và cũng là của chính Giáo Hội.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,4). Đời sống và sứ vụ mỗi Kitô hữu cũng như của của Giáo Hội luôn gắn liền với sự hướng dẫn và thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Vì thế, cần làm thế nào để những hoạt động của Giáo Hội luôn theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để đời sống của Giáo Hội thật sự sinh động, tràn đầy sinh lực, và là nơi cho người khác đến kín múc ơn cứu độ của Thiên Chúa. Quả thật, Chúa Thánh Thần đã thanh tẩy tâm hồn, đổi mới con người, và ban cho các tín hữu các ơn cần thiết để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ: làm chứng cho Đức Giêsu Kitô Phục Sinh loan báo Tin Mừng cứu độ đến khắp mọi miền trái đất. Nói cách khác, đó là truyền giáo. Chính vì thế, CĐ Vatican II, trong Hiến Chế Hoạt Động Truyền Giáo của Giáo Hội, đã khẳng định rằng biến cố Lễ Hiện Xuống nối kết chặt chẽ với khởi đầu lịch sử Giáo Hội và sứ vụ tông đồ, và sứ vụ của Giáo Hội được bắt đầu vào ngày lễ Hiện Xuống (x. TG, số 4). Trong đời sống Kitô hữu, chúng ta có để cho Thần Khí của Đấng Phục sinh tác động và biến đổi chúng ta thành con người mới để có thể thi hành sứ vụ truyền giáo trong cuộc sống hằng ngày hay không?
2. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Chỉ có một Chúa Thánh Thần duy nhất, nhưng quyền năng đa dạng của Người làm cho đời sống của Giáo Hội được phong phú qua các đặc sủng Người ban cho mỗi Kitô hữu. Như thế, dù khác nhau về mức độ và cách thể hiện nhưng các đặc sủng đều có một gốc duy nhất là Thần Khí và vì ích chung. Cụ thể hơn, mỗi thành phần trong Giáo Hội có những vai trò khác nhau, nhưng cùng nhau xây dựng thân thể Giáo Hội duy nhất. Chính vì thế, CĐ Vatican II đã khẳng định: Chúa Thánh Thần thống nhất Giáo Hội bằng kết hiệp và phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo Hội bằng nhiều ân sủng khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng (x. Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 4). Chúng ta có nhận ra rằng đời sống và sứ vụ của mỗi Kitô hữu và Giáo Hội đều do một Thần Khí Chúa duy nhất tác độnghay không? Chúng ta có ý thức rằng mỗi thành viên trong Giáo Hội/ Dòng tu/ giáo xứ/ hội đoàn, nhóm… như là một chi thể trong thân thể, tuy khác nhau nhưng cần sự đoàn kết, phối hợp và bổ túc cho nhau để xây dựngđời sống cộng đoàn mình hay không?
3. “Bình an cho anh emNhư Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Đức Giêsu Phục Sinh đã ban “bình an-là ơn cứu độ” cho các môn đệ để các ông vượt qua được nỗi thất vọng, lo âu, sợ hãi; đồng thời, sai các ông đi loan báo sự bình an cứu độ đó cho người khác. Mỗi Kitô hữu cũng được mời tiếp nối bước chân rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, nối dài bàn tay của Đức Giêsu để đem sự bình an cho mọi người. Tuy nhiên, mình không thể đem đến cho người khác điều mình không có. Do đó, chúng ta “cần phải để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần tràn ngập chúng ta, để Người rộng mở con tim của chúng ta cho Thiên Chúa và phải khẩn nài Chúa Thánh Thần mỗi ngày trong suốt cuộc sống của người Kitô hữu” (ĐTC Phanxicô, bài Huấn dụ về Hoạt động của Chúa Thánh Thần vào thứ Tư ngày 15-5-2013). Chúng có để cho ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng tâm hồn và mở rộng con tim cho Thiên Chúa mỗi ngày trong đời sống để có sự bình an đích thực của Chúa hay không? Chúng ta có nỗ lực thi hành sứ vụ đem bình an, loan truyền ơn cứu rỗi của Đức Kitô Phục Sinh cho những anh chị em đang sống trong mặc cảm, cô đơn, lo âu, tuyệt vọng, sợ sệt bằng sự viếng thăm chia sẻ Tin Mừng với họ hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét