Lc 9,11b-17
Hành động ‘nói với dân chúng về Nước
Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được cứu chữa’ vẫn là chưa đủ trong
sứ vụ của Chúa Giêsu. Trước lời thỉnh cầu của các môn đệ: xin giải tán
dân chúng để họ tự đi kiếm thức ăn, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông:
‘Các con hãy cho họ ăn đi.’
‘Năm chiếc bánh và hai con cá’ của các
môn đệ là không thể đáp ứng nổi trước nhu cầu mà chỉ riêng ‘số đàn ông’
đã là ‘năm ngàn.’ Nhưng khi năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ bé ấy được
Chúa Giêsu ‘cầm lấy’ kèm theo những cử chỉ rất đặc trưng của Ngài: ‘Nhìn
lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và phân phát…’ thì ‘tất cả đều ăn no
nê’ cùng với ‘mười hai thúng miếng vụn còn dư lại.’
Sáng Kiến của Tình Yêu
Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “Con
muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’. Hãy tham dự Thánh lễ, vì
không kinh nào,không tổ chức,nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ
Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349). Những đoạn (346-373) là lời mời gọi của Vị Tôi Tớ Chúa, hãy tin tưởng và yêu mến Mình Thánh Chúa:
“ Muốn tin, phải nuôi mình bằng Thánh Thể, vì Thánh Thể chứa đựng ‘Mầu nhiệm Đức tin’và ban sức mạnh đức tin cho con ”. (Đường Hy Vọng #373)
“ Biết giá trị Thánh lễ, dù xa dù khó con cũng cố gắng tham dự. Càng hy sinh con càng thấy mến Chúa hơn”. (Đường Hy Vọng #346)
“ Con
muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’.Hãy tham dự Thánh lễ, vì
không kinh nào,không tổ chức,nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ
Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349)
“ Dù
cô đơn nơi đèo heo hút gió, dù tăm tối trong ngục tù, con hãy hướng về
các bàn thờ trên thế giới, nơi Chúa Giê-su đang tế lễ; con dâng lễ và
rước lễ thiêng liêng. An ủi và can đảm sẽ tràn ngập lòng con”. (Đường Hy Vọng #364)
Phúc Âm kể lại :
Đang khi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: “Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống”. (Mt 26, 26-29; Lc, 22, 14-20). Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể và Chúa dặn dò các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”.
Tiệc
Thánh Thể này được chính Chúa Giêsu tiên báo trong tiệc cưới Cana, được
hứa ban cho dân ở Caphanaum, được thiết lập trong Tiệc Ly và đã được
chính Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau. Bốn khung cảnh này hòa
quyện đan kết với nhau thật tuyệt đẹp trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa
Kitô.
Thánh
Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và
là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh
Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người
với nhau. Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho
nhân loại.
Lịch
sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên
Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột
đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên
Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình
vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao
điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình
yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là
tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái
chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn
vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó,
Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và
là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có
Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người
ăn cùng một bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor10,17).
Giáo
hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền
Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô.
Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô
hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, khi linh
mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền
Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có
một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh
mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời
Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi
miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y
nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy "khoảng
cách" giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên "công
hiệu", làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép,
bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà
là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản
thể hay "biến thể". Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không
phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức
điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép: "Chúng
con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến
thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể II). "Lạy
Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà
thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức
Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể III). "Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con" (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa
Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong
hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện
thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện
diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa
hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18,20). Tất cả những cách
hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng
hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân
Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo
không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: "Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống..."
(Mt 25,35-36). Trái lại, nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép,
bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và
Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một
chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc
biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay
đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời
Truyền Phép. (x. simonhoadalat.com, Mục Thần học, ĐGM Bùi Văn Đọc).
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một...” (Ga 3, 16) và Con Một là Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông
lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà
ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng
lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng
ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người
muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền
nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập
Giá, Đức Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời
đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện
thần linh.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa.
Louis,
vị hoàng đế nước Pháp, một vì hoàng đế tốt lành, một người rất siêng
năng làm việc. Vua đam mê hoạt động. Vậy mà vua vẫn tìm thời giờ để dự
hai ba thánh lễ mỗi ngày. Mấy người cận thần của vua nói: “Hoàng thượng
đã đóng thuế quá nhiều cho những Thánh Lễ.”. Ngài trả lời: “Nếu ta dành
thời giờ săn đuổi những thú vui, tham dự những bữa tiệc linh đình với
bạn bè, coi hát mỗi ngày, có thể các người than phiền rằng ta đã dành
thời giờ quá nhiều cho những thú vui đó. Nhưng các bạn tốt của ta ơi.
Các ngươi quên rằng ta dự Thánh Lễ mỗi ngày không phải chỉ để cầu nguyện
cho bản thân ta mà còn cầu cho cả đất nước của ta, vì ngoài những Thánh
Lễ ra ta không còn cách nào khác tốt hơn là chuyện đó.”
Thánh
Louis đã ám chỉ hàng ngàn người Công Giáo: “Họ có thể dự Thánh Lễ mỗi
ngày nhưng họ không làm. Nếu họ hy sinh chút ít thời giờ đi lễ, họ có
thể lãnh nhận được vô vàn ân sủng ngoài sự tưởng tuợng của họ. Thật
không hiểu được, không thể giải thích tại sao bao người Công Giáo không
chịu dự lễ mỗi ngày để lãnh nhận bao ân huệ từ trời cao, vì dự một Thánh
Lễ giá trị cả ngàn ngày cho họ. Họ không hiểu được bao ơn huệ tuyệt vời
và những ích lợi mà họ lãnh nhận được qua Thánh Lễ”.
Tham
dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến
Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước
Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét